Nhà đầu tư vàng nên cẩn trọng

17/08/2016

Theo các chuyên gia, thị trường vàng trong nước bị ảnh hưởng trước các thông tin dự báo thị trường vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Các quỹ đầu tư trên thế giới cũng mạnh tay gom vàng nên càng kích thích các nhà đầu tư trong nước lao theo. 


Tính đến đầu tháng 7, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF tăng 500 tấn so với tháng 1.2016, lên mức 1.959,1 tấn. Trong đó, chỉ riêng lượng nắm giữ vàng của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR là 953,91 tấn - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong nửa đầu năm nay, SPDR đã mua vào thêm 308 tấn vàng và chỉ tính riêng mấy ngày đầu tháng 7, quỹ này đã mua 3 tấn so với cuối tháng 6.
Vẫn giữ quan điểm giá vàng sẽ tăng trong ngắn hạn tính theo tuần, nhưng ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng: “Nhà đầu tư vàng nên cẩn thận”. Ông phân tích, tối 4.7 (tính theo giờ VN), sàn giao dịch hàng hóa tương lai lớn của thế giới COMEX (Mỹ) đã tăng tỷ lệ ký quỹ của vàng lên 22%, điều này cho thấy tổ chức tạo lập sàn đánh giá vàng đang chứa đựng rủi ro. Tính từ sự kiện Brexit xảy ra đến nay, giá vàng trong nước và quốc tế đã tăng 10%. Lịch sử giá vàng từ lúc đạt đỉnh 1.921 USD/ounce vào năm 2011 đến nay liên tục có những đợt sóng, sau khi tăng mạnh thì giảm nhưng giảm xong lại tăng. Thế nhưng đợt tăng lần này của vàng “căn bản” là từ Brexit. Bởi Anh là một nước tham gia khối Liên minh châu Âu (EU) lâu năm mà khi rời đi sẽ có sự xáo trộn đối với khu vực. Hơn nữa, bảng Anh (GBP) là một trong những ngoại tệ trong rổ tiền tệ dự trữ thế giới.
Theo ông Hải, người mua vàng thời điểm này cần thận trọng vì giá mua và giá bán đang cách nhau từ 300.000 - 550.000 đồng/lượng, khi mua vào thì coi như đã chấp nhận lỗ và chờ giá tăng. Còn đối với những ai đang nắm giữ vàng, một chiến lược khôn ngoan là bán ra 1/3 khi giá vàng ở mức cao để chuyển sang kênh đầu tư khác.

Tại một báo cáo gần đây của HSBC dự báo giá vàng sẽ tăng 10%, giá vàng thực tế có thể tăng cao hơn nếu thị trường ngày càng lo ngại về tương lai EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Anh (Brexit). Đối với những đơn vị tiền tệ có khả năng tăng giá sau khi Anh quyết định rời EU như CHF (franc Thụy Sĩ) và JPY (yen Nhật), ngân hàng trung ương của hai loại tiền tệ này có nguy cơ sẽ phải can thiệp nhằm kiểm soát việc tăng giá của đồng tiền mình. Vàng không liên quan hay phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan quản lý tiền tệ hoặc chính sách kinh tế nào. Do đó, vàng sẽ gần như hoàn toàn không có những nguy cơ bị can thiệp. Nếu nhà đầu tư thật sự cho rằng việc CHF hay JPY tăng giá có thể khiến nhà nước phải can thiệp thì họ sẽ chuyển dòng đầu tư sang vàng - một danh mục đầu tư an toàn hơn.
Thanh Xuân